Hà Nội tích cực chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm

10/12/2022 09:43
Dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội đã được kiểm soát tốt, kinh tế Thủ đô được phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện nên dự báo nhu cầu hàng hóa, dịch vụ và sức mua trên thị trường Hà Nội sẽ tăng mạnh trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 

Ðể đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho người dân trên địa bàn, TP Hà Nội đã chủ động kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá.Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị

Tết là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Để phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường, nhiều tháng nay, các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, kinh doanh bán lẻ... đều tất bật triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn hàng, vùng nguyên liệu để bảo đảm thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Trong đó, những nhóm hàng được các đơn vị tăng cường trong dịp Tết là gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy-hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; măng, miến, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh...

Hà Nội tích cực chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm

Người dân mua hàng tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long.

Là đơn vị phân phối lớn trên địa bàn Hà Nội, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với dịp Tết năm 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Thăng Long Nguyễn Văn Ngọc cho biết, dự đoán sức mua dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại các siêu thị trong hệ thống tăng 10-20% so với Tết Nguyên đán 2022 nên doanh nghiệp đã có kế hoạch chủ động nguồn hàng từ sớm. Đặc biệt, hiểu tâm lý bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước khi dịp Tết chính thức bắt đầu, từ ngày 15-12-2022 tới 21-1-2023 doanh nghiệp sẽ trưng bày hàng Tết để người dân linh hoạt thời gian mua sắm, không bị dồn vào những ngày cận Tết. Cũng có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng chu đáo phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho biết, ngay từ cuối tháng 9 vừa qua, BRG Mart đã làm việc với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả các mặt hàng chủ lực. Hàng bình ổn chiếm 32% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết. Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Lê Văn Liêm thông tin, tại siêu thị Co.opmart, hàng Việt chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa, là nơi hàng Việt dễ dàng tìm được chỗ đứng và có khả năng đến tận tay khách hàng một cách nhanh chóng nhất. Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30-50% tùy nhóm hàng. Trong đó, sẽ tổ chức hơn 50 điểm bán hàng bình ổn tại thị trường Hà Nội và miền Bắc...

Đẩy mạnh chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Hà Nội có khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập. Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. Cùng với đó, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, giá cả ổn định và bảo đảm công tác phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Ước tính tổng giá trị hàng hóa được các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô chuẩn bị cho cao điểm Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết năm 2022).

Trong cao điểm mua sắm cuối năm, thành phố cũng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân; triển khai các sự kiện của thành phố thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn.

Đáng chú ý, liên quan tới công tác bình ổn giá, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra các biến động về giá. Do đó, thành phố đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy-hải sản... Hàng hóa bình ổn chiếm 35% tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Về hoạt động phân phối, Sở Công Thương TP Hà Nội đang đôn đốc 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa. Riêng các chợ truyền thống, nơi cung cấp 75% lượng hàng hóa, Sở Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết... Đồng thời, để chủ động nguồn hàng Tết, thành phố cũng đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành phố lân cận nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát bình ổn hàng hóa.

Theo Nguồn baomoi.com

Hà Nội tích cực chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm - Đời Sống